Cập nhật mới nhất về tình hình sáp nhập các tỉnh vào TP.HCM năm 2025
Vào lúc 8h sáng ngày 30/06/2025, tất cả các tỉnh thành trên địa bàn cả nước cùng hòa chung không khí vào buổi lễ công bố các Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã chính thức hoạt động từ ngày 01/07/2025. Đặc biệt, TPHCM (cũ) chính thức sáp nhập cùng tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sự kiện lần này đánh dấu một cột mốc mới trong quá trình hình thành, phát triển và cải cách bộ máy quản lý nhà nước.
Diễn biến lễ công bố sáp nhập tại TP.HCM sáng 30/6
Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình TPHCM và được truyền hình trực tuyến đến 168 điểm cầu ở các phường, xã, đặc khu của TPHCM.
Tại điểm cầu TPHCM, Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ công bố. Cùng với đó Chủ tịch nước Lương Cường trực tiếp dự lễ công bố ở điểm cầu Thủ đô Hà Nội. Thành phố Hải Phòng vinh dự với sự góp mặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tại điểm cầu Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tham dự buổi lễ công bố và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đến các địa phương dự lễ công bố. Đánh dấu thời điểm thi hành Nghị quyết số 203/2025/QH15, kết thúc mô hình quản lý cũ, sáp nhập toàn bộ 2 tỉnh vào TP.HCM.
Nghị quyết và các quyết định pháp lý đi kèm
Theo điều 2 khoản 2 Nghị quyết số 203/2025/QH15 “Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.” Ngoài ra, tiến hành thực hiện hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đây là sự kiện chính trị hết sức trọng đại, mang tính lịch sử của đất nước, là tiền đề để chính quyền địa phương 2 cấp với các tổ chức, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp xã, phường, đặc khu đi vào hoạt động
Những thay đổi chính sau khi sáp nhập
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Lễ công bố để chính thức vận hành mô hình chính quyền hai cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng, bao gồm TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, không chỉ không chỉ là sự kiện về mặt hành chính, mà là bước chuyển mình chiến lược, là đòi hỏi tất yếu khách quan của nhân dân và đất nước trong hành trình xây dựng những vùng động lực phát triển của quốc gia và khu vực, để xứng đáng với khát vọng “Việt Nam hùng cường vào năm 2045”.
Việc hợp nhất ba địa phương không chỉ đơn thuần là việc gộp chung về địa giới hành chính, mà còn là sự hội tụ của tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển, nhằm kiến tạo một siêu đô thị đa chức năng – trung tâm tài chính, công nghiệp, Logistics và đổi mới sáng tạo vươn tầm khu vực và quốc tế.
Về địa giới và hành chính
Trước đó, TPHCM có diện tích 2.095,4 km², tỉnh Bình Dương có diện tích 2.694,6 km² và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có diện tích 1.982,6 km². Sau khi sáp nhập, tổng diện tích của TPHCM lên tới 6.772,6 km² – gấp hơn 3,2 lần so với diện tích cũ của TP.HCM là 2.095,4 km².
Đồ họa: Tuấn Anh, Báo Thanh Niên
Về nhân sự và tổ chức bộ máy
Tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trân trọng trao quyết định của Bộ Chính trị chỉ định ông Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM – giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM sau khi hợp nhất.
Đồng thời 4 phó bí thư Thành ủy TP.HCM được Bộ Chính trị chỉ định gồm: Ông Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Văn Được, Võ Văn Minh và ông Nguyễn Phước Lộc. Bộ Chính trị cũng chỉ định Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM (mới) gồm 27 người, trong đó 11 ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, 7 ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương và 9 ủy viên người ủy viên Ban Thường vụ TP.HCM sau hợp nhất.
Cùng với đó, hội nghị cũng nghe Quyết định của Ban Bí thư chỉ định ủy viên, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành Ủy TP. HCM nhiệm kỳ 2020 – 2025 với 19 thành viên. Trong đó ông Võ Văn Dũng – chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu – làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm trao quyết định và tặng hoa chúc mừng lãnh đạo TP.HCM (Ảnh: Thông tin Chính phủ, báo Vietnamnet)
Tác động bước đầu đến người dân và doanh nghiệp
Sau lễ công bố sáp nhập, nhìn chung tâm lý của người dân tại TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu khá tích cực nhưng vẫn còn tồn tại một số băn khoăn, thắc mắc.
Người dân nhìn nhận tích cực về cơ hội cải thiện hạ tầng và dịch vụ công, nhưng vẫn còn nhiều thắc mắc xoay quanh thủ tục giấy tờ, địa chỉ hành chính mới và quyền lợi liên quan.
Về phía doanh nghiệp, một số lo ngại về quá trình điều chỉnh địa chỉ pháp lý, cơ quan quản lý thuế hay thủ tục hành chính. Tuy nhiên, phần lớn đều kỳ vọng việc sáp nhập sẽ giúp liên kết vùng tốt hơn, tiết kiệm chi phí và mở rộng không gian phát triển.
Chính quyền các cấp cam kết giữ ổn định, hỗ trợ tối đa trong giai đoạn chuyển tiếp, đồng thời sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ khó khăn phát sinh.
Kế hoạch triển khai tiếp theo sau sáp nhập
Từ ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức được áp dụng tại TP.HCM sau sáp nhập. Các cơ quan chức năng sẽ triển khai đồng loạt việc cập nhật địa giới hành chính, điều chỉnh thông tin trên giấy tờ cá nhân, hồ sơ doanh nghiệp, mã số thuế, BHXH…
Chính quyền cũng ban hành hướng dẫn cụ thể, đơn giản hóa thủ tục để người dân và doanh nghiệp dễ dàng thích ứng. Đồng thời, kế hoạch truyền thông diện rộng sẽ được triển khai nhằm đảm bảo minh bạch thông tin, hạn chế hoang mang và giữ ổn định xã hội trong giai đoạn chuyển tiếp.
Kết luận
Sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP.HCM là bước ngoặt quan trọng, đưa thành phố trở thành đại đô thị đa trung tâm đầu tiên tại Việt Nam. Đây không chỉ là thay đổi hành chính mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế vùng toàn diện hơn.
Tuy nhiên, hiệu quả của đề án phụ thuộc vào khả năng tổ chức, đồng bộ hạ tầng và quản trị. Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản – một trong những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp – việc điều chỉnh địa giới đang khiến mặt bằng giá đất tại các khu vực giáp ranh như Thủ Dầu Một (Bình Dương), Phú Mỹ (BR-VT), Củ Chi, Nhà Bè… có xu hướng tăng mạnh. Tâm lý đón đầu hạ tầng và kỳ vọng về quy hoạch mới đang tạo ra làn sóng quan tâm từ nhà đầu tư cá nhân lẫn các tập đoàn phát triển đô thị.
Bất động sản là lĩnh vực chịu tác động sớm nhất, với giá đất nhiều nơi giáp ranh tăng do kỳ vọng hạ tầng và quy hoạch. Người dân và nhà đầu tư cần thận trọng, tránh chạy theo tin đồn khi quá trình chuyển đổi vẫn đang hoàn thiện, và nên theo dõi thông tin chính thống để kịp thời thích ứng.